Bài học hôm nay chúng ta cùng học cách bày tỏ quan điểm trong tiếng Anh cũng như cách hỏi ý kiến người khác. Bạn cũng sẽ học được cách làm người khác đồng ý với quan điểm của mình và cách không tán thành ý kiến của người khác.
Cách bày tỏ quan điểm trong tiếng Anh
Dưới đây là một vài cách tiêu biểu để bắt đầu cho người khác biết ý kiến của bạn về một đề tài. Đây chỉ là các mẫu câu, và bạn cần nêu ý kiến, quan điểm của mình sau mỗi mẫu này.
- The point I’m making is… (Trang trọng)
- In my opinion… (opinion (n): quan điểm, ý kiến)
- It seems to me that…
- I believe that…
- I think that…
- I feel that…
- As I see it…
- If you ask me…
- Personally, I think…. (personally (n): với cá nhân tôi, riêng tôi)
- Frankly, I think… (frankly (n): thẳng thắn, chân thành)
Tất nhiên, nếu bạn chắc chắn về ý kiến, quan điểm của mình, bạn có thể thêm các trạng từ (strongly, really, firmly, wholeheartedly) để tăng thêm “trọng lượng” cho ý kiến. Khi đã thêm trạng từ, bạn cần nhấn giọng ở trạng từ này.
Ví dụ:
- I firmly believe inflation will get worse during the next ten months! (Tôi tin chắc rằng lạm phát sẽ trở nên tồi tệ trong 10 tháng tới!)
Thỉnh thoảng nếu bạn không chắc chắn 100% về ý kiến của mình, bạn có thể điều chỉnh lời mở đầu bằng cách thêm vào một số từ nào đó. Ví dụ:
- Well. I’m not quite sure, but I believe…
- I still have some doubts, but my feeling is that… (doubt (n): không chắc, hồ nghi)
- Although I’m not 100 percent sure, I still think that…
- Well, I don’t know, but I’m beginning to think that…
Những câu này cho người nghe biết chúng ta có ý kiến riêng của mình, mặc dù nó không được mạnh và vẫn còn nhiều hoài nghi nhưng đó vẫn là một ý kiến.
Trên đây là các mẫu câu chỉ cho bạn cách bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân bằng tiếng Anh. Vậy làm thế nào để hỏi ý kiến, quan điểm của người khác. Mời bạn tiếp tục theo dõi chương tiếp theo.
Cách hỏi ý kiến người khác trong tiếng Anh
Để biết xem người khác nghĩa gì về một đề tài nào đó, chúng ta thường hỏi những câu hỏi như:
- What do you think about the Middle East situation? (Bạn nghĩ gì về tình trạng Trung Đông?)
Dưới đây là một vài cách bắt đầu câu hỏi để hỏi về ý kiến của người khác:
- Are you opposed to … ? (oppose (v): phản đối)
- Are you in favor of … ? (in favor of: có thiện cảm với)
- What do you think about…?
- What’s your opinion on…?
- What’s your opinion about…?
- How do you feel about…?
- I’d be interested to know your thoughts on…
Đó là các cách để hỏi ý kiến, quan điểm của người khác. Khi họ đã bảy tỏ ý kiến, quan điểm xong, bạn đồng ý hay không đồng ý với ý kiến của họ và cách diễn đạt bằng tiếng Anh như thế nào. Mời bạn tiếp tục theo dõi chương tiếp theo.
Cách thể hiện sự đồng ý, tán thành trong tiếng Anh
Tán thành một ý kiến hoặc lời phát biểu thì dễ dàng hơn rất nhiều so với lúc phủ quyết. Có khá nhiều cách để bày tỏ sự đồng ý, dưới đây là một vài cách diễn đạt:
- I couldn’t agree with you more!
- How true!
- You’re exactly right!
- That’s exactly right!
- I agree wholeheartedly with what you say!
- That’s exactly what I was thinking!
- That’s exactly what I believe!
- That’s exactly how I feel!
- There’s no doubt about it.
- That’s my opinion, too.
- Absolutely!
- Definitely!
- You can say that again. (Thân mật)
- For sure! (Thân mật)
- You bet! (Thân mật)
- And how! (Thân mật)
- I’ll say. (Thân mật)
- Right on! (Thân mật)
Nên nhớ các câu đồng ý quá thân mật không phù hợp cho tất cả mọi tình huống. Trong những khung cảnh thân mật với bằng hữu hay bạn bè thân quen đều dùng được. Nhưng trong bối cảnh kinh doanh hoặc giao tế xã hội trang trọng, phải lưu ý và suy nghĩ thật cẩn thận trước khi sử dụng.
Ngoài ra, mức độ đồng ý cũng giảm dần theo thứ tự (từ đồng ý 100% – I couldn’t agree with you more! đến đồng ý do dự hay miễn cưỡng – Well, I’m not completely sure, but I generally agree) vì thế bạn có thể thay đổi câu trả lời tùy theo tình huống và cảm giác của bạn.
Chương tới chúng ta sẽ tìm hiểu cách để làm người khác đồng ý với mình trong tiếng Anh. Mời bạn tiếp tục theo dõi.
Cách làm người khác đồng ý với mình
Nhiều lúc bạn muốn người khác đồng ý với mình, thế là bạn bèn vận dụng ngôn ngữ (hay khả năng “ăn nói”) để cố lôi kéo người đó về cùng phe. Cách khá phổ biến là nêu lên ý kiến rồi sau đó thòng vào một câu hỏi đuôi:
- It’s hot in here, isn’t it?
- That was a fantastic burger, wasn’t it?
- San Francisco is certainly a beautiful city, isn’t it?
- That surely wasn’t a very interesting movie, was it?
Phần câu hỏi đuôi thường xuống giọng khi người nói hầu như chắc chắn rằng người nghe sẽ đồng ý hoặc hy vọng người nghe sẽ đồng ý.
Những cách khác nữa làm người khác phải đồng ý với mình là đặt câu hỏi theo kiểu “mớm” cho người trả lời biết những gì mà ta muốn được nghe.
- Don’t you think it’s hot in here?
- Don’t you agree that was a fantastic burger?
- Isn’t San Francisco a beautiful city?
- Wasn’t that a boring movie?
Trong hai ví dụ đầu tiên, người nói đưa người nghe đến chỗ trả lời theo ý người nói mong muốn, bắt đầu bằng Don’t you think/agree…?
Trong hai ví dụ sau cùng, câu hỏi phủ định dùng để chỉ chủ ý, niềm tin, hoặc thái độ của người nói. Người nghe có thể phán đoán được từ câu hỏi (hoặc có lẽ là từ giọng nói) người nói muốn họ phải trả lời như thế nào.
Như vậy đến chương này, các bạn đã biết cách hỏi ý kiến người khác; bày tỏ ý kiến quan điểm cá nhân; cách thể hiện sự đồng ý; và cách làm người khác đồng ý với mình.
Vậy nếu chúng ta không đồng ý, không tán thành với một ý kiến nào đó, bạn cần nói bằng tiếng Anh như thế nào. Cách thể hiện không đồng ý là hơi khó khăn một chút và bạn cần lựa cách nói cho khéo. Để tìm hiểu cách nói như thế nào, mời bạn theo dõi chương tiếp theo.
Cách thể hiện sự không đồng tình
Không tán thành ý kiến của người khác hơi khó khăn hơn vì có vài yếu tố cần phải xem xét lại trước khi quyết định không đồng ý. Đầu tiên và có lẽ quan trọng nhất chính là mối quan hệ giữa ta và người kia.
Bày tỏ quan điểm với người thân, bạn bè
Nếu mỗi quan hệ giữa hai người là quen thân, có thể phủ quyết ý kiến của họ mạnh dạn và thẳng thắn hơn. Dưới đây là một số ví dụ:
- You’ve got to be kidding! (kid (v): nói đùa)
- You’ve got to be joking! (joke (v): nói đùa)
- Are you joking?
- Are you kidding me?
- Are you crazy?
- Don’t make me laugh!
- That’s absurd! (absurd (adj): buồn cười)
- That’s ridiculous! (ridiculous (adj): buồn cười, ngớ ngẩn)
- You can’t really be serious!
- You can’t really believe that!
- You can’t really think that!
- Oh, come off it. (Rất thân mật)
- Oh, get out of here! (Rất thân mật)
Hãy nhớ rằng những câu này là những câu phản đối rất thẳng thắn và khá thân mật. Chúng ta chỉ sử dụng với bạn bè trong tình huống thân mật. Nếu dùng trong lúc thảo luận với người không quen hay trong các bối cảnh trang trọng sẽ không phù hợp và thậm chí bị coi là thô lỗ.
Trong trường hợp khác: kinh doanh, không quen thân
Với trường hợp này, bạn cần thực sự khéo léo, sử dụng ngôn ngữ sao cho thích hợp với hoàn cảnh. Chúng ta làm giảm bớt mức độ không tán thành để không thô lỗ và xúc phạm đến người khác.
Dưới đây là các cách thể hiện sự không đồng ý, sự không tán thành một cách lịch sự. Trong các ví dụ sau, hai câu đầu tiên có mức độ phản đối quyết liệt nhất (nhưng vẫn giữ vẻ lịch sự), và những câu mềm mỏng hơn sẽ nằm sau cùng.
1. Hoàn toàn không đồng ý (quyết liệt)
- I disagree with what you’re saying.
- I don’t see it that way.
2. Hoàn toàn không đồng ý (mức độ nhẹ hơn)
- I don’t think so.
- I don’t agree with you.
- I respect your opinion, but I think…
3. Không đồng ý một phần
- I’m not sure if I agree with you completely on…
- Well, you have a right to your opinion, but I…
- I understand what you are saying, but in my opinion…
- Yes, that’s true, but my feeling is that…
- You could be right, but don’t you think that…?
- You have a point, but don’t you think that…?
- I have to disagree with you, but I believe…
Trong bảy ví dụ sau cùng, lưu ý chúng ta thừa nhận ý kiến của người kia (có thể cũng đồng ý một phần), nhưng kế đó chúng ta phản bác một cách nhã nhặn và đưa ra chủ ý của mình.
Trong bất kỳ kiểu phản đối nào, hoặc thẳng thắng, thô lỗ “You’ve got to be kidding!“, hoặc quanh co mềm mỏng “Well, I see your point, but I still don’t quite agree“. Hầu như chúng ta đều nêu lý do phản đối.
Trên đây là tất cả các cách giúp bạn bày tỏ quan điểm trong tiếng Anh, thể hiện sự không đồng ý, không tán thành với ý kiến, quan điểm của người khác. Tùy vào ngữ cảnh cụ thể mà bạn nên lựa chọn cách thể hiện sự không đồng ý một cách hợp lý mà không làm phật lòng người khác. Chúc bạn thành công!
Bài học này nằm trong chuỗi bài về các tình huống giao tiếp tiếng Anh thông dụng.